Bài Ðọc I: 1 Ga 4, 19 - 5, 4
"Ai yêu mến Thiên Chúa thì cũng phải thương yêu anh em mình nữa".
Trích thư thứ nhất của Thánh Gioan Tông đồ.
Các con thân mến, chúng ta hãy yêu mến Thiên Chúa, vì Người đã
thương yêu chúng ta trước. Nếu ai nói mình yêu mến Thiên Chúa mà lại
ghét anh em mình, thì là người nói dối. Vì người anh em mình xem
thấy mà không thương yêu họ được, thì làm sao yêu mến Thiên Chúa là
Ðấng mình không thấy được? Ðây là giới răn chúng ta lãnh nhận nơi
Thiên Chúa: ai yêu mến Thiên Chúa, thì cũng phải thương yêu anh em
mình nữa.
Hễ ai tin Chúa Giêsu là Ðấng Kitô, thì đã được sinh ra bởi Thiên
Chúa. Vì hễ ai yêu mến Chúa là Ðấng đã sinh thành, thì cũng yêu mến
những kẻ bởi Người mà sinh ra. Do điều này mà chúng ta biết mình yêu
thương con cái Thiên Chúa, là hễ chúng ta yêu mến Thiên Chúa, thì
chúng ta phải thực hành giới răn Người. Tình yêu Thiên Chúa là thế
này: là chúng ta giữ các giới răn Người, và giới răn Người chẳng có
nặng nề đâu. Hễ sự gì bởi Thiên Chúa mà sinh ra, thì thắng được thế
gian, và đây là sự chiến thắng thế gian: đó là đức tin của chúng ta.
Ai chiến thắng thế gian, nếu không phải kẻ tin Ðức Giêsu là Con
Thiên Chúa?
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 71, 2. 14 và 15bc. 17
Ðáp: Lạy
Chúa, muôn dân khắp mặt đất sẽ thờ lạy Chúa (x. c. 11).
Xướng: 1) Lạy Chúa, xin ban quyền xét đoán khôn ngoan cho đức vua,
và ban sự công chính cho hoàng tử, để người đoán xét dân Chúa cách
công minh, và phân xử người nghèo khó cách chính trực. - Ðáp.
2) Người sẽ cứu tâm hồn họ khỏi bất công và đàn áp, giá máu của họ
đáng kể trước mặt người. Họ sẽ cầu nguyện cho người luôn và sẽ chúc
phúc người mãi mãi. - Ðáp.
3) Chúc tụng danh người đến muôn đời, danh người tồn tại lâu dài như
mặt trời. Vì người, các chi họ đất hứa sẽ được chúc phúc, và các dân
nước sẽ ca ngợi người. - Ðáp.
Alleluia: Lc 7, 16
Alleluia, alleluia! - Một Tiên tri cao cả đã xuất hiện giữa chúng ta
và Thiên Chúa đã viếng thăm dân Người. - Alleluia.
Phúc Âm: Lc 4, 14-22a
"Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh này".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, Chúa Giêsu trở về Galilêa trong quyền năng của Thánh Thần và
danh tiếng Người đồn khắp miền xung quanh. Người giảng dạy trong các
hội đường của họ, và ai nấy đều ca tụng Người. Người đến Nadarét là
nơi Người sinh trưởng, và theo thói quen của Người, Người vào hội
đường ngày Sabbat, và đứng dậy đọc sách. Người ta trao cho Người
cuốn sách Tiên tri Isaia. Người mở sách và gặp chỗ có chép rằng:
"Thánh Thần Chúa ở trên tôi, vì Chúa đã xức dầu cho tôi, sai tôi đi
rao giảng tin mừng cho người nghèo khó, chữa lành những người sầu
khổ trong tâm hồn, loan tin giải thoát cho kẻ bị giam cầm, cho người
mù được thấy, giải thoát người bị áp chế, công bố năm hồng ân của
Thiên Chúa".
Người xếp sách lại, trao cho viên phụ trách, đoạn ngồi xuống. Mọi
người trong hội đường đều đưa mắt chăm chú nhìn Người. Người bắt đầu
nói với họ rằng: "Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh tai các ngươi
vừa nghe". Và ai nấy đều công nhận lời Người và ngạc nhiên vì những
lời hấp dẫn thốt ra từ miệng Người.
Ðó là lời Chúa.
Suy Nghiệm Lời Chúa
Emmanuel Thiên Sai
Bài Phúc Âm hôm nay, Thứ Năm sau Chúa Nhật Lễ Hiển Linh, vẫn còn
trong thời điểm của Mùa Giáng Sinh kéo dài cho tới Lễ Chúa Giêsu
Chịu Phép Rửa, chủ đề "Lời ở cùng chúng ta" (Gioan 1;14) tiếp
tục được phản ảnh nơi phụng vụ Lời Chúa như sau.
Trước hết, trong Bài Phúc Âm hôm nay, Thánh ký Luca thuật lại biến
cố Chúa Giêsu "đến Nadarét là nơi Người sinh trưởng, và theo thói
quen của Người, Người vào hội đường ngày Sabbat, và đứng dậy đọc
sách".
Bài Phúc Âm còn tiếp tục cho biết thêm những chi tiết chính yếu
và cần thiết liên quan đến chủ đề "Lời ở cùng chúng ta"
qua đoạn "sách Tiên tri Isaia" được "Người ta trao cho
Người", và khi "Người mở sách" thì "gặp chỗ có chép" về
chính bản thân Người, như chính Người đã tự xác nhận ngay trong bài
Phúc Âm này: "Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh tai các ngươi
vừa nghe".
Vậy đoạn Sách Tiên Tri Isaia mà Người bất chợt mở ra và đọc lên cho
mọi người trong Hội Đường ở Nazarét nghe thấy đây là gì và như
thế nào, Thánh ký Luca đã cho chúng ta biết như sau:
"Thánh Thần Chúa ở trên tôi, vì Chúa đã xức dầu cho tôi, sai tôi đi
rao giảng tin mừng cho người nghèo khó, chữa lành những người sầu
khổ trong tâm hồn, loan tin giải thoát cho kẻ bị giam cầm, cho người
mù được thấy, giải thoát người bị áp chế, công bố năm hồng ân của
Thiên Chúa".
Phải, "Lời ở cùng chúng ta", Đấng "đã hóa thành nhục thể" (Gioan
1:14), chính là Đấng Được Xức Dầu Thánh Linh, bởi
Cha của Người, hay được Cha thánh hiến cũng thế (xem Gioan
10:36), tức Người là Đức Kitô Thiên Sai, là Đấng Thiên Sai của Thiên
Chúa.
Vậy vai trò và sứ vụ bất khả thiếu và bất khả phân ly với Đấng Thiên
Sai của Thiên Chúa ở đây là gì, đã được Tiên Tri Isaia trong Bài Đọc
1 cho biết và cũng đã được chính Chúa Giêsu công nhận là hoàn
toàn ứng nghiệm sau đó trong cùng bài Phúc Âm, đó là Người được "sai
đi rao giảng tin mừng cho người nghèo khó, chữa lành những người sầu
khổ trong tâm hồn, loan tin giải thoát cho kẻ bị giam cầm, cho người
mù được thấy, giải thoát người bị áp chế, công bố năm hồng ân của
Thiên Chúa".
Đúng thế, "Lời ở cùng chúng ta" chính là Đấng Thiên
Sai, Đấng được xức dầu bởi Thánh Linh và được tràn đầy Thánh
Linh, được Thánh Linh thúc đẩy thực hiện 3 sứ vụ chính yếu của Người
và hợp với Người, đó là "rao giảng" - như một ngôn sứ, "chữa
lành" - như một tư tế, và "giải thoát" - như một đế
vương.
Trước hết, "Lời ở cùng chúng ta" như một ngôn sứ để "rao
giảng": "rao giảng tin mừng cho người nghèo khó", nghĩa
là tin mừng cứu độ của Người chỉ hợp với "người nghèo khó",
và Chúa Giêsu cũng chỉ đến để "tìm kiếm và cứu vớt những gì hư
hoại" (Luca 18:8), những gì tầm thường đáng khinh trước mặt trần
gian, nhưng lại là thành phần không ham mê trần gian, thành phần bản
thân không tham vọng, chỉ khao khát thần linh và tìm kiếm sự thật
với một lương tâm chân chính, và chỉ có họ mới có thể đón nhận tin
mừng cứu độ là chính "Lời ở cùng chúng ta".
Sau nữa, "Lời ở cùng chúng ta" như một tư tế để "chữa
lành": "chữa lành những người sầu khổ trong tâm hồn", bằng
tình thương của Người, như Người đã kêu gọi "Hãy đến với Tôi, hỡi
những ai mệt mỏi và nặng gánh, Tôi sẽ bổ sức cho" (Mathêu
11:28), ở chỗ, đích thân Người "đã mang lấy thương tích của chúng
ta và đã chịu đựng những đau khổ của chúng ta" (Mathêu 8:17;
Isaia 53:4), một cách "hiền lành và khiêm nhượng trong lòng"
(Mathêu 11:29), nhất là ở chỗ: "Tuy là con, Người đã biết tuân
phục nơi những gì phải chịu, để khi hoàn tất, Người trở nên căn
nguyên cứu độ cho những ai tín phục Người" (Do Thái 5:8).
Sau hết, "Lời ở cùng chúng ta" như một đế vương để "giải
thoát": "giải thoát cho kẻ bị giam cầm, cho người mù được
thấy, giải thoát người bị áp chế". Thành phần "bị giam cầm"
và "bị áp chế" đây là ai, nếu không phải là chung loài người,
thành phần đã bị hư đi theo nguyên tội, đã bị Satan cùng bọn ngụy
thần của hắn giam cầm và khống chế bằng quyền lực sự dữ và chết chóc
của chúng, nhưng đã được quyền năng cứu độ của Đấng bị đóng đanh như
"Vua dân Do Thái" (Mathêu 27:37) cũng là Đấng đã phục sinh từ
trong kẻ chết "được toàn quyền trên trời dưới đất" (Mathêu
28:18) giải thoát, một quyền năng giải thoát và cứu độ đã được báo
trước bằng những phép lạ chữa lành bệnh nạn tật nguyền và chết chóc
nơi dân chúng, cũng như bằng lời rao giảng khôn ngoan soi sáng "cho
người mù được thấy".
Những loại người trở thành đối tượng cho 3 vai trò của "Lời ở
cùng chúng ta" trên đây, một khi được Người "rao giảng",
"chữa lành" và "giải thoát", những tác động thần linh
cứu độ vô cùng cao quí và trọng đại cho thấy Thiên Chúa hết tình yêu
thương con người, và vì thế, họ cũng phải nhận biết tình yêu ấy
và đáp ứng tình yêu ấy, như Thánh Gioan Tông Đồ trong Bài Đọc 1 hôm
nay nhắc nhở: "Các con thân mến, chúng ta hãy yêu mến Thiên Chúa,
vì Người đã thương yêu chúng ta trước".
Tuy nhiên, con người là tạo vật không thể nào đáp trả được tình yêu
vô cùng bất tận và trọn lành của Thiên Chúa, họ cùng lắm chỉ có thể
trả nợ tình cho Thiên Chúa bằng tình họ yêu thương tha nhân là đồng
loại ngang hàng với họ; thế nhưng, cho dù là thế, họ cũng vẫn không
thể nào yêu thương tha nhân như Chúa muốn và như Ngài yêu, nếu chính
họ không yêu thương tha nhân bằng chính tình yêu của Thiên Chúa,
Đấng đã yêu họ trước.
Đó là lý do Thánh Gioan Tông Đồ, cũng trong Bài Đọc 1 hôm nay, đã
nhắc nhở chúng ta là thành phần được Thiên Chúa yêu trước, thành
phần vì thế cần phải và nhờ thế có thể yêu thương tha nhân đồng loại
nói chung và những ai cũng được tái sinh bởi Thiên Chúa như chúng
ta nói riêng, như sau:
"Nếu ai nói mình yêu mến Thiên Chúa mà lại ghét anh em mình, thì
là người nói dối. ... Ðây là giới răn chúng ta lãnh nhận nơi Thiên
Chúa: ai yêu mến Thiên Chúa, thì cũng phải thương yêu anh em mình
nữa. Hễ ai tin Chúa Giêsu là Ðấng Kitô, thì đã được sinh ra bởi
Thiên Chúa. Vì hễ ai yêu mến Chúa là Ðấng đã sinh thành, thì cũng
yêu mến những kẻ bởi Người mà sinh ra".
Tình yêu thương tha nhân chẳng những là dấu chứng tỏ tình yêu của
chúng ta đối với Thiên Chúa, Đấng "đã yêu chúng ta trước",
nơi "Lời ở cùng chúng ta", mà còn cho thấy đức tin chân chính
và mãnh liệt của chúng ta vào Đấng Thiên Sai Cứu Thế nữa, một đức
tin thắng vượt thế gian, thắng vượt con người cũ vị kỷ của mình để
sống chết cho tha nhân như Chúa Kitô, và đức tin ấy như thế nào cùng
với tác dụng thần linh ra sao đã được Bài Đọc 1 hôm nay cho biết như
sau:
"Hễ ai tin Chúa Giêsu là Ðấng Kitô, thì đã được sinh ra bởi Thiên
Chúa... Hễ sự gì bởi Thiên Chúa mà sinh ra, thì thắng được thế gian,
và đây là sự chiến thắng thế gian: đó là đức tin của chúng ta. Ai
chiến thắng thế gian, nếu không phải kẻ tin Ðức Giêsu là Con Thiên
Chúa?"
Bài Đáp Ca hôm nay phản ảnh ý nghĩa của bài Phúc Âm nói chung và câu
của Tiên Tri Isaia tiên báo về vai trò và sứ vụ chính yếu của Đấng
Thiên Sai Cứu Thế nói riêng, một đoạn sách tiên tri đã được chính
Chúa Giêsu công nhận là đã ứng nghiệm nơi bản thân của Người là "Lời ở
cùng chúng ta":
1) Lạy Chúa, xin ban quyền xét đoán khôn ngoan cho đức vua, và ban
sự công chính cho hoàng tử, để người đoán xét dân Chúa cách công
minh, và phân xử người nghèo khó cách chính trực.
2) Người sẽ cứu tâm hồn họ khỏi bất công và đàn áp, giá máu của họ
đáng kể trước mặt người. Họ sẽ cầu nguyện cho người luôn và sẽ chúc
phúc người mãi mãi.
3) Chúc tụng danh người đến muôn đời, danh người tồn tại lâu dài như
mặt trời. Vì người, các chi họ đất hứa sẽ được chúc phúc, và các dân
nước sẽ ca ngợi người.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL. Nếu
có thể xin nghe chia sẻ theo cảm hứng hơn là đọc lại bài chia sẻ
trên
GS.ThuNamsauHienLinh.mp3